TỈNH LONG AN Thứ Năm, 21/11/2024 Thông báo Cài đặt Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Long an trên cửa hàng ứng dụng CHPlay hoặc App Store với từ khóa tìm kiếm "Công an Long An".

Chuyên mục hỏi đáp

Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo

13:47 06/02/2023

Thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về pháo, trong đó, chủ yếu là vi phạm về mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ các loại, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Nhằm nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, Phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Chảnh - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh.

 

Thượng tá Nguyễn Chảnh - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh.

Phóng viên: Ngày 27/11/2020, Chính phủ ra Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021), xin đồng chí cho biết phân biệt giữa “pháo nổ”, “pháo hoa nổ” và “pháo hoa” ?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định cụ thể “pháo nổ”, “pháo hoa nổ” và “pháo hoa” như sau:

Pháo nổ: bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Trong đó, Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ; pháo hoa nổ là loại pháo có chứa pháo thuốc nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (Pháo hoa nổ do lực lượng Quân đội bắn vào các ngày Lễ, Tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép).

Tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định: nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ.

Pháo hoa: là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, Pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng “đốt” chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo hoa này cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật; chỉ được mua của các tổ chức doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa để sử dụng (Các doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng).

Phóng viên: Thưa đồng chí, căn cứ Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, các hành vi bị nghiêm cấm là gì?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp Bộ quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định của pháp luật.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

3. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn, xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không đảm bảo an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, thuê, cầm cố, làm giả, sữa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

 

 

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc mua bán các loại pháo tại tiệm tạp hóa.

Phóng viên: Thưa đồng chí, các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo sẽ bị xử lý như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định:

+ Các hành vi bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:

- Chiếm  đoạt, trao đổi, mua, bán, cho tặng, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, làm giả, mất, tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dụng giấy phép, giấy chứng nhận về pháo;

- Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo;

- Cố ý không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo;

- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

+ Các hành vi bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:

- Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép;

- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

+ Các hành vi phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:

- Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

- Hướng dẫn huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.

Phóng viên: đối với các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo bị xử lý hình sự được quy định như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Chảnh: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

-Đối với cá nhân phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm.

- Đối với pháp nhân thương mại phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến vĩnh viễn.

- Ngoài ra, nếu buôn bán hoặc vận chuyển trái phép pháo qua biên giới sẽ phải chịu trách nhiệm về tội buôn lậu hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra./.

T.Phượng

TIN TỨC KHÁC

WEBSITE LIÊN KẾT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Hôm nay 1007
  • Tháng 11 2486
  • Năm 2024 194501