10:04 22/05/2025
Điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
10:04 22/05/2025
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Theo đó, Nghị định mới được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, khoảng trống pháp lý còn tồn tại trong công tác xử lý vi phạm hành chính đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nghị định gồm 04 chương và 41 Điều, trong đó đáng chú ý là những điểm mới so với quy định hiện hành:
- Một là, Bổ sung đối tượng để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật PCCC và CNCH và thực tiễn, cụ thể: Các đơn vị phụ thuộc Hợp tác xã (Văn phòng, Chi nhánh hợp tác xã); Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Thương mại; Cơ quan nhà nước; Ban Quản trị nhà chung cư hoạt động theo mô hình ban quản trị, có tư cách pháp nhân; Tổ chức được giao trực tiếp quản lý cơ sở theo quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Hai là, Bổ sung quy định về hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể là “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” đối với các hành vi có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy, nổ (khoản 6 Điều 18, khoản 11 Điều 20, khoản 8 Điều 21, khoản 6 Điều 23, khoản 6 Điều 24, khoản 8 Điều 25).
- Ba là, Bổ sung 07 Điều mới để phù hợp với Luật PCCC và CNCH hiện nay, cụ thể:
1. Điều 19: quy định về lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy để đáp ứng yêu cầu công tác PCCC và CNCH đối với các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy phải được cấp giấy phép lưu thông trước khi đưa ra thị trường hoạt động, sử dụng.
2. Điều 20: quy định về trang bị, lắp đặt phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
3. Điều 21: quy định về sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
4. Điều 22: quy định về bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
5. Điều 23: quy định về thông gió, chống khói.
6. Điều 38: quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử) để bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
7. Điều 37: quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp của quy định của Luật PCCC và CNCH.
- Bốn là, Bổ sung 01 khoản quy định tại 11 Điều (Điều 11, 12, 13, 14, 15, 16, 18, 20, 21, 23 và Điều 25) đối với các hành vi vi phạm khi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Năm là, Nâng mức phạt tiền các hành vi tại Nghị định để phù hợp với công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.
- Sáu là, Bãi bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Trưởng Công an huyện cho phù hợp với mô hình tổ chức mới./.
Quốc Bảo
10:04 22/05/2025
Điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
07:54 22/05/2025
Lừa đảo “thu hồi tiền treo” - chiêu trò cũ, nạn nhân mới
09:22 21/05/2025
Đề xuất phạt tiền gấp đôi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh
15:38 20/05/2025
“Cẩm nang an ninh mạng” trong thời đại số
10:08 20/05/2025
Người dân có cần làm lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh hay không?