10:06 06/05/2025
Hiên ngang trước máy chém của địch
10:06 06/05/2025
Chân dung đồng chí Lê Văn Cảng. |
Đồng chí Lê Văn Cảng xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại xã Đức Lập, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng năm 1945. Năm 1949, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, sinh hoạt và hoạt động bí mật tại chi bộ xã Đức Lập, Đức Hoà, Long An.
Đồng chí luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua mọi thử thách, khó khăn gian khổ, bám trụ kiên cường, xây dựng cơ sở bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ cách mạng phục vụ cho lực lượng vũ trang khởi nghĩa lấy đồn Đức Lập, thu nhiều súng và tài liệu quan trọng.
Vào cuối năm 1950, bốt cảnh sát Hàng Keo của ngụy quyền Sài Gòn tăng cường quân xuống các vùng căn cứ cách mạng để truy lùng cán bộ kháng chiến củ còn lại và sách nhiễu, làm tiền nhân dân. Lúc này, chủ trương của ta là chôn súng, tài liệu, đi vào hoạt động bí mật vì cán bộ đa số là đi tập kết. Tháng 3 năm 1959, có 3 tên Cảnh sát Hàng Keo trong đó có tên Dừng chỉ huy nổi tiếng ác ôn, dã man từ Sài Gòn xuống xã để truy lùng các đồng chí đảng viên hợp pháp và đánh phá cơ sở cách mạng.
Tượng và bia tưởng niệm sự hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Cảng tại đình thần Hòa Khánh (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa) (nguồn ảnh: Báo Long An).
Trong thời gian này, tổ Đảng ấp Tân Hoà (thuộc chi bộ mật của xã Đức Lập) có bàn bạc xin ý kiến cấp trên để tiêu diệt bọn cảnh sát đặc biệt. Đồng chí Cảng đã đề xuất kế hoạch tiêu diệt 3 tên này. Kế hoạch bị lộ, bọn chúng bỏ chạy nhưng đồng chí Cảng và đồng đội đã không bỏ lỡ thời cơ dùng gậy tầm vông, dao, mác đuổi theo truy bắt gần 1 km, đánh giáp lá cà gần 1 giờ diệt được 3 tên này.
Sau cái chết của 3 tên cảnh sát đặc biệt, địch ra lệnh truy nã, truy tìm ráo riết 3 đồng chí Cảng, Thì, Dấy. Ngày 10/10/1959, chúng đã bắt được đồng chí Cảng tại thôn Vườn Trầu, Hóc Môn, Sài Gòn. Hơn 5 tháng giam cầm, đánh đập, khảo tra dã man và dụ dỗ nhưng chúng không khai thác được gì. Đồng chí Cảng luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản bảo vệ các cơ sở cách mạng và đấu tranh kiên cường chống lại chúng ngay trong nhà tù. Ngày 6/3/1960, địch thi hành bản án tử hình đồng chí Cảng theo đạo luật 10/59 của Ngô Đình Diệm bằng máy chém ở tại ngã ba Hoà Khánh, Đức Hoà, Long An.
Khi thực hiện lệnh chém, chính quyền Ngô Đình Diệm cho thông báo trên đài phát thanh chế độ Sài Gòn cho cả miền Nam biết. Đồng thời, chúng gom trên 500 quần chúng nhân dân chứng kiến buổi hành quyết để đe doạ, đàn áp phong trào cách mạng, buộc nhân dân phải hô khẩu hiệu theo chúng, nhưng nhân dân vẫn yên lặng nhìn về đồng chí Cảng. Bị bịt kín miệng dẫn ra máy chém nhưng đồng chí Cảng vẫn hiên ngang, ung dung ngẩng cao đầu đi từ nơi giam giữ bước lên máy chém, ánh mắt nhìn, chào đồng bào, đồng chí trước lúc hy sinh. Cái chết của đồng chí Cảng rất hiên ngang và dũng cảm đã đi sâu vào lòng mỗi người dân trong huyện và đặc biệt là xã Đức Lập, xã đã 2 lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để tưởng nhớ và ghi công đối với đồng chí Cảng chính quyền địa phương đã xây dựng bia truyền thống tại ngã ba Hoà Khánh ghi vào sổ sách lịch sử hình ảnh hy sinh dũng cảm của đồng chí Cảng để con cháu ngàn đời ghi nhớ và học tập tấm gương vì nước, vì dân của đồng chí. Ngày 29/01/1996, đồng chí Lê Văn Cảng được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”./.
Nguồn: Cổng thông tin Tỉnh ủy Long An
10:06 06/05/2025
Hiên ngang trước máy chém của địch
08:27 05/05/2025
Lấy ý kiến các dự thảo các Dự án luật
08:18 05/05/2025
Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình
10:39 30/04/2025
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
10:03 28/04/2025
NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT