15:41 22/11/2024
Thông báo tìm người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
08:57 21/04/2022
Tháng 01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06 phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 06). Đề án đặt mục tiêu năm 2022 sẽ hoàn thành việc kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với cổng dịch vụ công quốc gia. Với tài khoản định danh điện tử, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công, các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền...Để hiểu rõ hơn về việc tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng tài khoản định danh điện tử, Phóng viên có cuộc trao đổi với Thượng tá Vũ Thị Mai Hương - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh về vấn đề trên.
Phóng viên: Kính thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết, công dân có thể tải và cài đặt ứng dụng định danh điện tử (ĐDĐT) ở đâu?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: Trong trường hợp người dân thực hiện đăng ký tài khoản ĐDĐT trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia (VNEID) thì tùy theo hệ điều hành của thiết bị di động mình đang sử dụng, có thể tải ứng dụng VNEID về thông qua kho Google play (CH play) hoặc App Store để thực hiện việc đăng ký tài khoản ĐDĐT.
Phóng viên: Có người dân thắc mắc rằng, trường hợp bị mất điện thoại đang sử dụng tài khoản ĐDĐT thì cần phải làm gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: Trong trường hợp người dân bị mất thiết bị đang sử dụng tài khoản ĐDĐT thì có thể yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong 2 cách:
- Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin ĐDĐT quốc gia.
- Hoặc liên hệ cơ quan Công an để được hỗ trợ khóa tạm thời.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của người dân có được đảm bảo không?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật cho Hệ thống ĐDĐT quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Trong suốt quá trình giao dịch, các dữ liệu được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia.
Phóng viên: Thưa đồng chí, các ứng dụng độc hại vô tình được cài đặt trên điện thoại của người dân, thì dữ liệu cá nhân của họ trên Ứng dụng ĐDĐT quốc gia có thể bị truy cập bất hợp pháp không?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: các dữ liệu về ĐDĐT không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNEID của công dân. Chỉ khi công dân truy cập thì dữ liệu mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác nếu cần. Và việc xuất trình thông tin hiển thị trên ứng dụng cũng tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý (Thẻ CCCD).
Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải cho phép, tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.
Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân thì cũng phải được sự đồng ý của công dân thì mới được sử dụng.
Từ những quy định chặt chẽ như vậy, nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin của công dân. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trước tội phạm công nghệ cao thì công dân không nên cài các ứng dụng lạ, độc hại vào thiết bị di động, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng Ứng dụng định danh điện tử.
Phóng viên: Khi người dân muốn sử dụng tài khoản ĐDĐT trên thiết bị mới thì phải làm gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: Trong trường hợp người dân thay đổi thiết bị di động, thì ở thiết bị mới, khi công dân đăng nhập tài khoản ĐDĐT, hệ thống sẽ cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thực đảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.
Phóng viên: Thưa đồng chí, tài khoản ĐDĐT của công dân bị khóa trong trường hợp nào và được khôi phục lại khi nào?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: Theo quy định tại Điều 10, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, ngày 8/11/2021 của Thủ tướng chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh, thì tài khoản ĐDĐT của công dân bị khóa trong 5 trường hợp:
-Khi chủ thể yêu cầu khóa tài khoản ĐDĐT.
-Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dụng dịch vụ.
-Khi chủ thể tài khoản vi phạm điều khoản dịch vụ đã thỏa thuận với cơ quan cấp tài khoản ĐDĐT.
-Khi thực hiện xác lập lại hoặc hủy số định danh cá nhân.
-Khi chủ thể tài khoản chết.
Theo quy định tại Điều 11, tài khoản ĐDĐT của công dân được khôi phục khi:
-Chủ tài khoản yêu cầu khôi phục lại tài khoản ĐDĐT.
-Khi cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dụng dịch vụ yêu cầu khôi phục tài khoản ĐDĐT mà trước đó đã yêu cầu khóa.
-Khi chủ thể tài khoản đã khắc phục vi phạm và yêu cầu khôi phục tài khoản ĐDĐT.
Phóng viên: Thưa đồng chí, quy định về quyền và nghĩa vụ đối với cá nhân đăng ký ĐDĐT?
Thượng tá Vũ Thị Mai Hương-Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Long An: theo quy định tại Điều 12, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 của Thủ tướng chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh, thì cá nhân đăng ký ĐDĐT, có tài khoản ĐDĐT:
- Tuân thủ quy định về đăng ký ĐDĐT và xác thực điện tử; sử dụng tài khoản ĐDĐT để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và các giao dịch điện tử khác;
- Cung cấp và chịu trách nhiệm về các giấy tờ, thông tin đã cung cấp cho cơ quan chức năng để tạo tài khoản ĐDĐT;
- Quản lý, bảo mật thông tin tài khoản ĐDĐT, không được cho người khác sử dụng tài khoản ĐDĐT của mình; đảm bảo sử dụng tài khoản ĐDĐT an toàn;
- Chịu trách nhiệm về các giao dịch đã thực hiện và quy định của các bên có liên quan đối với các giao dịch điện tử;
- Được thông báo về tình trạng hoạt động của tài khoản ĐDĐT./.
T.Phượng
15:41 22/11/2024
Thông báo tìm người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
14:44 21/11/2024
Các trường hợp không được dừng xe, đỗ xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024
08:50 19/11/2024
Các trường hợp không được vượt xe, điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024
14:39 18/11/2024
Bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe, một điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông năm 2024
10:07 18/11/2024
Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị chống bỏ quên trẻ