15:41 22/11/2024
Thông báo tìm người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
11:38 13/12/2021
Ngày 08/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến 63 điểm cầu Công an các địa phương.
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; hơn 2.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Giám đốc, lãnh đạo cấp Phòng của lực lượng Công an nhân dân tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước...
Tại điểm cầu Công an tỉnh Long An, tham dự Hội nghị có Đại tá Văn Công Minh-Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở, Ban, Ngành tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh. Hội nghị cũng được truyền trực tuyến từ Công an tỉnh đến Công an các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ. Thực tiễn đã chứng minh: Chỉ khi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc được toàn vẹn, lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững, thì Nhân dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự; mới có điều kiện, môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - "không gian mạng". Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, Hội thảo khoa học "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng" là bước tiếp theo của quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia nhằm mục đích nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện; làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ hơn nội hàm của khái niệm "chủ quyền quốc gia trên không gian mạng", mối liên hệ biện chứng giữa "không gian mạng" và "chủ quyền quốc gia"; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; đánh giá từ nhiều góc độ thực trạng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở nước ta trong những năm qua. Những kết quả, kinh nghiệm cũng như hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bật cập trong hoạt động này. Những yêu cầu mới đặt ra về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện khác của Đảng. Yêu cầu, định hướng và các giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ vững chắc và hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng...
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh Long An.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, khó, rất rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm. Đồng chí mong muốn, các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn tiếp tục đi sâu tìm hiểu, phân tích và biên tập, tổng kết Hội thảo. Từ đó, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; xây dựng các hệ thống, phương châm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Chú trọng hợp tác quốc tế về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, kinh phí, nguồn nhân lực... tạo điều kiện đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thời gian tới, đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng./.
15:41 22/11/2024
Thông báo tìm người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
14:44 21/11/2024
Các trường hợp không được dừng xe, đỗ xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024
08:50 19/11/2024
Các trường hợp không được vượt xe, điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024
14:39 18/11/2024
Bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe, một điểm mới của Luật Trật tự an toàn giao thông năm 2024
10:07 18/11/2024
Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị chống bỏ quên trẻ