TỈNH LONG AN Thứ Năm, 19/09/2024 Thông báo Cài đặt Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Long an trên cửa hàng ứng dụng CHPlay hoặc App Store với từ khóa tìm kiếm "Công an Long An".

Hướng về cơ sở

Phát huy sức mạnh toàn dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở tỉnh Long An

09:55 18/09/2024

Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở tỉnh Long An đã tạo được dấu ấn nổi bật là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia, phối hợp tích cực của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tạo được sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân. Những kết quả đạt được từ phong trào đã góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc.

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân được đẩy mạnh và đổi mới, đa dạng hóa cả về nội dung, hình thức, gắn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) với xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ nắm tình hình, đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) trên tuyến biên giới trong tiến trình phân giới, cắm mốc, củng cố mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam- Campuchia; tuyên truyền chính sách pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thường xuyên gặp gỡ, vận động các chức sắc, chức việc, người có uy tín, tín đồ tham gia công tác bảo đảm ANTT, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để phá rối ANTT .

Đồng chí Nguyễn Minh Lâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng 1 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2024.

Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập trung ở các xã, phường, thị trấn trên tuyến Quốc lộ 1, N2, 50, 62 và toàn tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh, gắn với xây dựng, thực hiện mô hình “Cổng ANTT”, “Camera ANTT”, “Dân phòng xung kích phòng chống tội phạm” và các mô hình liên hoàn ... từng bước tạo thế trận phòng ngừa có hiệu quả các loại tội phạm hoạt động lưu động trên tuyến giao thông và địa bàn giáp ranh.

Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về ANTT trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động người lao động cảnh giác, phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, gắn với tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT đã phát huy hiệu quả, duy trì, củng cố và nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 150 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với nhiều tên gọi khác nhau. Nhiều mô hình ở cơ sở có tính xã hội hóa cao, được triển khai thực hiện ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, được Nhân dân đồng tình, tích cực tham gia thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực, nổi bật là các mô hình: “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”; “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường học”; “Năm lực lượng cùng quản người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”; “Chốt Dân phòng đảm bảo ANTT trong khu, cụm công nghiệp”; “Đội Dân phòng liên xã xung kích phòng, chống tội phạm”; “Chức sắc, chức việc, tăng, ni, phật tử huyện Cần Đước tham gia giữ gìn ANTT” đã được Bộ Công an thông báo toàn quốc.

Ngoài ra, hiện nay có 28 mô hình tiêu biểu được thông báo trên toàn tỉnh Long An hoạt động hiệu quả của các mô hình đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người dân.

Công tác tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ được quan tâm, chú trọng, triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, từ địa bàn khu dân cư, đến cơ quan, doanh nghiệp, đã huy động được nhiều doanh nghiệp FDI, cơ sở giáo dục, cơ sở tôn giáo tham gia. Kết quả trên địa bàn tỉnh Long An, từ năm 2018- 2024, đã tổ chức được 149 điểm Ngày hội (trong đó 8 điểm Ngày hội cấp tỉnh, 141 điểm Ngày hội cấp huyện, chọn xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở tôn giáo để tổ chức), 1.892 điểm Ngày hội cấp xã (chọn ấp, khu phố để tổ chức) và cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở tôn giáo, bình quân hàng năm với khoảng 47.000 lượt cán bộ và nhân dân tham dự, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đã tác động nhiều đến ý thức, tinh thần trách nhiệm của công dân đối với công tác tham gia bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Có thể khẳng định, kết quả từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở tỉnh Long An, khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Việc bảo đảm ANTT, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đã tạo tiền đề để Long An ngày càng vươn lên tốp đầu trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2017- 2021 đạt 7,34%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2023 là 367.968 tỷ đồng). Thu nhập người dân được cải thiện, đạt mức cao (bình quân đầu người năm 2023 đạt 95 - 100 triệu đồng). Hiện nay, trên toàn tỉnh có 133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 4 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Châu Thành, Tân Trụ, TP Tân An và thị xã Kiến Tường).

Đại tá Lâm Minh Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Long An, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phước Lý.

Từ thực tiễn đã xác định, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Sức mạnh của Nhân dân là rất lớn, nhưng sức mạnh đó chỉ được phát huy khi được tổ chức thành phong trào, hành động cụ thể và không thể tách rời sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự thống nhất và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông; chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác vận động nhân dân trong triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, khu dân cư và cả cộng đồng. Các hoạt động của phong trào phải mang tính thiết thực, được lồng ghép với các cuộc vận động và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Coi trọng và làm tốt việc xây dựng các mô hình mới, nhân rộng các mô hình theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”; tổ chức ký cam kết xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; làm tốt công tác tổng kết, kịp thời động viên, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong phong trào.

Tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc trên cơ sở phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, coi đây là nhân tố quyết định để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT kết hợp chặt chẽ giữa vận động nhân dân với tổ chức tấn công trấn áp tội phạm. Khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế-xã hội; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân, các vụ khiếu kiện ngay từ cơ sở, gắn với chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Lực lượng Công an các cấp, nhất là cấp xã, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời xử lý các tình huống phức tạp về ANTT. Tập trung xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thôn, ấp, xã, cơ quan, đơn vị an toàn về ANTT, tổ chức tốt Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ.

Để phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, Công an tỉnh Long An tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; Chương trình hành động số 17, ngày 5/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 2228 ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an, nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xác định là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước. Nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT, bài trừ tệ nạn xã hội; thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Tập trung xây dựng, củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại các địa bàn chiến lược, biên giới, cửa sông ra biển, địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn phức tạp về ANTT, địa bàn triển khai các dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá Lâm Minh Hồng - Giám đốc Công an tỉnh Long An tặng quà cán bộ và nhân dân xã Phước Lý (Cần Giuộc, Long An) nhân tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2024.

Đổi mới thực chất nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đối tượng, thích ứng với sự phát triển của khoa học- công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tiếp cận và trực tiếp tham gia công tác bảo đảm ANTT. Rà soát, củng cố các mô hình bảo vệ ANTQ để hoạt động đảm bảo thực chất, hiệu quả hơn. Trước mắt, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải phù hợp với từng địa bàn, cơ quan, đơn vị.

Chú trọng xây dựng lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh; xây dựng Công an phường kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Quan tâm bố trí, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo đảm ANTT. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là các bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các chi đoàn, chi hội, làm hạt nhân cho phong trào.

Xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định về ANTT ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong bảo vệ ANTQ, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả để thúc đẩy phong trào ngày càng vững chắc. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Duy trì định kỳ công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng”, phức tạp để đối tượng xấu lợi dụng kích động gây rối ANTT./.

T.Phượng

TIN TỨC KHÁC

WEBSITE LIÊN KẾT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Hôm nay 1007
  • Tháng 9 2486
  • Năm 2024 194501