14:30 23/01/2025
THÔNG BÁO về việc tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá
15:09 10/12/2024
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ việc mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Trước đây, các thủ đoạn lừa đảo phổ biến, như: chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; cố tình chuyển khoản nhầm để đòi tiền lãi; lừa đặt cọc mua hàng qua mạng; mời chào “làm việc nhẹ lương cao”…
Mặc dù lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuyên truyền về các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và qua điện thoại nhưng vẫn có nhiều người dân “nhẹ dạ cả tin” bị lừa mất tài sản lớn. Và thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới đáng lo ngại.
Trong đó, trên không gian mạng đã xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới giả mạo Cục hàng không Việt Nam để lừa đảo thông báo chuyến bay bị hủy. Theo đó, các đối tượng lừa đảo thu thập dữ liệu thông tin chuyến bay của khách hàng sau đó tạo lập các tài khoản Facebook giả mạo Cục hàng không Việt Nam để gọi điện, nhắn tin cho khách hàng thông báo chuyến bay bị hủy và yêu cầu người dân truy cập vào trang website giả mạo để đặt lại vé nhằm thu thập dữ liệu cá nhân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, còn có hình thức lừa cài app ngân hàng giả mạo. Thủ đoạn chung của nhiều đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau khi tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức, các đối tượng sẽ đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân, kịch bản lừa đảo cũng liên tục được thay đổi, như mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học…
Đặc biệt lưu ý người dùng về chiêu trò lừa cài đặt app ngân hàng giả mạo, những ứng dụng này có chứa mã độc, giúp các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, đánh cắp thông tin và thực hiện chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Hình ảnh minh họa.
Gần đây, nhiều khách hàng sử dụng điện nhận được các cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực. Các đối tượng giả danh “nhân viên công ty điện lực” gọi điện thông báo khách hàng đang nợ tiền điện lớn và đe dọa nếu không thanh toán ngay sẽ bị cắt điện. Sau đó, “nhân viên” gửi tin nhắn qua SMS hoặc email giả mạo thông báo hóa đơn tiền điện, kèm theo đường link thanh toán trực tuyến. Đính kèm thông báo, chúng yêu cầu người dân chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin ngân hàng để “giải quyết nợ”. Tin lời, người dân nhấp vào đường link và điền thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, các thông tin cá nhân.
Trường hợp “sập bẫy” bởi chiêu thức lừa đảo thông báo khách hàng nằm trong danh sách được hưởng “chính sách” hoàn tiền điện như: Điện lực quyết toán dôi dư nên hoàn tiền cho khách hàng; điện lực tính toán nhầm hóa đơn của khách hàng hoặc là có đoàn thanh tra điện lực nên phát hiện ra sai sót trong tính hóa đơn và khách hàng ở trong diện được hoàn tiền... Và dĩ nhiên “không có gì là miễn phí hoàn toàn” nếu muốn được hoàn tiền, người dân phải cài đặt ứng dụng hoặc truy cập website do chúng cung cấp để nạp tiền, hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng được cung cấp từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng để có số tài khoản và hoàn trả lại tiền.
Và đáng chú ý là trong thời gian qua nhiều người dân phản ánh về việc có các đối tượng tự xưng là Cảnh sát Giao thông gọi điện, yêu cầu người dân cung cấp thông tin để làm định danh biển số, xác thực thông tin phương tiện.
Khuyến nghị: người dân cần nhận diện các dấu hiệu chung của các cuộc gọi mạo danh Cảnh sát giao thông yêu cầu người dân cung cấp thông tin để làm biển số định danh như sau: Đối tượng mạo danh gọi điện đến cho người dân, giới thiệu là cán bộ đăng ký xe của Phòng Cảnh sát giao thông và yêu cầu người dân cung cấp các thông tin cá nhân và mang giấy tờ đến Phòng Cảnh sát giao thông để làm thủ tục định danh biển số xe. Sau đó, các đối tượng sẽ gợi ý có thể trực tuyến, rồi gửi những đường link chứa mã độc để đánh cắp thông tin của người dân và chiếm đoạt tài sản.
Khi phát hiện sự việc nghi vấn có hình thức giống như trường hợp trên, đề nghị người dân cung cấp ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Long An; số điện thoại 02723.989848 để được hướng dẫn./.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
14:30 23/01/2025
THÔNG BÁO về việc tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá
07:33 23/01/2025
Nâng cao cảnh giác với chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng
07:53 22/01/2025
Các chiêu thức lừa đảo đã lên một tầm cao mới
08:05 21/01/2025
Người dân có thể tự theo dõi số điểm của bằng lái xe qua ứng dụng VNeID
07:43 21/01/2025
Loạt chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhắm vào người sử dụng điện